Hành trình từ bỏ game crack để đến với game bản quyền của game thủ Việt
Phải nói rằng, nếu không có thiên thời địa lợi, đó là điều kiện mua và thưởng thức game bản quyền trở nên dễ dàng tiếp cận như bây giờ, thì nhân cũng khó lòng mà "hòa", sẵn sàng chấp nhận game bản quyền thay thế crack như bây giờ được.
Crack, chủ đề của chúng ta ngày hôm nay vẫn cứ là câu chuyện crack game. Từ “thuở hàn vi”, trong những ngày đầu tiên làm quen với mạng internet, chúng ta đã quá quen với việc lên Google tìm kiếm cho mình những bản nhạc, những cuốn sách mà vào thời học sinh thật sự quá khó khăn để mua được chúng với số tiền tiêu vặt ít ỏi mà đa số những game thủ chúng ta được cha mẹ cho.
Vào thời bấy giờ, tốc độ đường truyền mạng vẫn chưa đủ nhanh để chúng ta “tìm hiểu” tới những nội dung số nặng nề như phim HD hay game. Chính vì thế vào thời đó, những tiệm đĩa phim hay đĩa game phát triển đến mức cực kỳ hung thịnh. Những “cậu ấm” ra mua đĩa game về thưởng thức với tư duy “bỏ 7 nghìn một CD, 15 nghìn một DVD game, đầu tư cho game như thế này là quá khủng khiếp rồi”.
Thế nhưng khi nhìn lại, chúng ta hẳn không khỏi bật cười khi nhớ về “tuổi thần tiên” ngây thơ với suy nghĩ cứ bỏ tiền nghĩa là mua được game bản quyền. Thực chất chỉ có những chủ tiệm đĩa được hưởng lợi, khi họ cất công tải game crack về và ghi ra đĩa trắng và bán cho chúng tôi.
Dĩ nhiên con đường đến với game bản quyền của tôi vẫn còn rất xa. Vào đại học, có máy tính riêng, có đường truyền internet dùng thỏa thuê, tôi bắt đầu làm quen với việc tự tải game về máy để chơi. Hồi đó mạng internet cáp quang thường chỉ dành cho doanh nghiệp, mà giá cả cũng rất đắt đỏ chứ chẳng hề dễ tiếp cận như bây giờ. Vì thế nên những tựa game như Modern Warfare, Need for Speed The Run thường lấy đi của tôi cả đêm để cày kéo, dĩ nhiên là với việc hàng tháng phải nghe những lời ca cẩm của mẹ vì hóa đơn tiền điện cứ một mực đi lên chứ nhất quyết không chịu giảm đi.
Nếu so sánh với khoản tiền trước đây tôi bỏ ra mua đĩa về chơi game, thì tiền điện và tiền mạng có lẽ chẳng thua kém gì, thậm chí còn nhiều hơn. Thế nhưng cái cảm giác tải miễn phí một tựa game về, khi nhớ lại, vẫn vô cùng sung sướng và phần nào hả hê vì cuối cùng cũng đã chẳng còn phụ thuộc những gã bán đĩa ở Bách Khoa. Không còn chuyện đĩa hỏng phải ra xin xỏ để đổi đĩa, cũng chẳng còn những lần nhịn ăn sáng để được mua game. Tư duy của một cậu bé mới lớn thường rất dễ thỏa hiệp với những cảm giác như vậy.
Và rồi thời thế đổi thay. Trước đây khi Modern Warfare 2 vẫn còn server dành riêng cho những kẻ chơi game lậu (dĩ nhiên trong đó có tôi) mang tên AlterIW, tôi đã được trải nghiệm một cách cụ thể nhất thứ mà lâu nay tôi đã bỏ quên, hay nói đúng hơn là đã chọn bỏ quên: Trải nghiệm chơi mạng.
Đến khoảng 2 năm trước, khi CS:GO chính thức ra mắt để thay thế Counter-Strike 1.6, một fan FPS như tôi lẽ nào lại có thể bỏ qua. Thế nhưng tác hại của cả thời kỳ chơi game crack đã lộ rõ: Không có key bản quyền, bạn sẽ chỉ được “ngắm” chiều sâu gameplay và những trận đấu nghẹt thở của CS:GO qua những clip YouTube và những giải đấu diễn ra quanh năm.
Dĩ nhiên để chơi thử, tôi, một kẻ không xu dính túi buộc phải mượn tài khoản một người bạn để chơi thử. Trải nghiệm multiplayer đã cuốn hút tôi ngay từ những phút đầu tiên tham gia game. Nhưng rồi một vấn đề nảy sinh: Khi bạn mượn tài khoản, bạn sẽ phải chú ý tới thời gian chơi game của chủ acc. Không phải lúc nào bạn cũng có thể thưởng thức game một cách thoải mái khi người còn lại cũng muốn chơi game. Giải pháp cuối cùng và duy nhất: Tự mua key game bản quyền. Đó là 300.000 Đồng đầu tiên tôi bỏ ra cho một game bản quyền.
Bên cạnh CS:GO khi ấy, là những cái tên như Diablo 3, Battlefield 3 và 4, cùng rất nhiều tựa game khác chỉ được chú trọng phần chơi mạng. Bản thân tôi hoàn toàn không có quyền phán xét những người chơi game crack ở thời điểm hiện tại, đơn giản vì tôi cũng từng như vậy. Thế nhưng tôi vẫn không khỏi bật cười khi nhiều game thủ tham gia các diễn đàn game lớn chỉ để hỏi một câu “Em thấy chơi mạng hay quá, em tải bản crack của Reloaded thì phải làm thế nào để chơi mạng hả các anh?”
Các bạn thấy đấy, dù ngày càng có nhiều người chơi game bản quyền, nhưng vì đã xâm nhập vào Việt Nam từ lâu, game crack, đáng buồn thay, vẫn là “một nét văn hóa” của game thủ mà vẫn chưa có cách giải quyết cụ thể, đơn giản vì thu nhập bình quân đầu người của chúng ta chưa cho phép Việt Nam so sánh với những quốc gia nơi người chơi game chỉ có duy nhất lựa chọn mua game bản quyền.
Giờ đây, ý thức của cộng đồng game thủ đã khác rất xa so với trước đây. Thậm chí người ta còn hô hào tẩy chay, nói không với crack khi mới đây Nintendo Switch bị tấn công. Họ cho rằng, việc ủng hộ, dung túng cho hành vi crack máy và can thiệp vào phần cứng là vô cùng có hại, cho cả bản thân người sở hữu chiếc máy chơi game lẫn nhà phát triển game.
Thật mừng khi thấy ý thức của người Việt đã thay đổi gần như 180 độ chỉ trong quãng thời gian 5 đến 6 năm vừa rồi. Mà kỳ thực không chỉ có ý thức. Nếu ý thức người Việt muốn chơi game bản quyền, mà giá cả của game cũng như các mua không hỗ trợ họ một cách tốt nhất thì cũng lực bất tòng tâm. Và thế là may thay, cuối cùng sau hơn chục năm ra mắt, Steam cũng đã bán game bằng tiền Việt, và mức trợ giá thật sự rất hấp dẫn đối với bất kỳ ai.
Phải nói rằng, nếu không có thiên thời địa lợi, đó là điều kiện mua và thưởng thức game bản quyền trở nên dễ dàng tiếp cận như bây giờ, thì nhân cũng khó lòng mà "hòa" được.
Theo: Helino
Gamebank - Đổi thẻ cào thành tiền mặt
Các tin khác:
- Hành trình từ bỏ game crack để đến với game bản quyền của game thủ Việt
- Những game online miễn phí lối chơi giống PUBG nhưng cấu hình nhẹ hơn nhiều
- Những tựa game bắt game thủ phải chờ mỏi cả cổ vẫn chưa thấy đâu
- 10 ứng cử viên nặng kí cho danh hiệu Game of the year 2018
- Thật bất ngờ, PUBG sắp có cả phim ăn theo và map mới tuyết trắng mới toanh
- Điểm danh 5 tựa game hot sẽ ra mắt tháng 1/2018 này
- Điểm mặt 4 vị tướng đã từng làm mưa làm gió cùng faker trên đấu trường LMHT
- Cha đẻ PUBG tuyên bố sang năm 2018 quyết làm game mượt hơn và không còn chuyện giật lag crash game nữa